Lượt xem: 1179

Nông nghiệp Sóc Trăng tăng trưởng ổn định

Năm 2022, tỉnh Sóc Trăng đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất trong 10 năm gần đây, trong đó lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò “trụ đỡ” khi đóng góp 43,16 % vào cơ cấu kinh tế chung của tỉnh. Giá trị kim ngạch xuất khẩu từ tôm, gạo, trái cây đều tăng hơn so với cùng kỳ đã mang đến những dấu ấn đột phá trong bức tranh kinh tế toàn ngành trong một năm phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức.

 


Mô hình canh tác lúa theo hướng hữu cơ

 

    Năm 2022, diện tích canh tác lúa toàn tỉnh mặc dù không cao hơn so với cùng kỳ, với diện tích gieo trồng đạt 332.767 ha, nhưng các nhóm lúa đặc sản, lúa chất lượng cao tiếp tục là ưu thế lớn của tỉnh Sóc Trăng trong hành trình nâng tầm chất lượng lúa gạo khi chiếm đến 91,64% tổng sản lượng lúa toàn tỉnh. Nhiều giải pháp khoa học kỹ thuật tiến bộ được áp dụng rộng rãi trên đồng ruộng đã giúp nông dân trồng lúa tiết giảm được chi phí sản xuất, cải thiện giá trị lợi nhuận mặc dù phải liên tục đối mặt với “cơn bão” về giá vật tư nông nghiệp. Giờ đây, nông dân trồng lúa đã có thể quản lý hiệu quả một số đối tượng dịch hại thông qua bẫy đèn thông minh, hạn chế tối đa công lao động khi ứng dụng tốt cơ giới hóa vào đồng ruộng. Về cơ bản, lợi nhuận trồng lúa dù thấp hơn so cùng kỳ, nhưng thu nhập từ trồng lúa vẫn đảm bảo lợi nhuận trên 30% so với chi phí sản xuất theo quy định của Chính phủ. Đặc biệt, các mô hình canh tác lúa theo hướng hữu cơ, VietGAP được nhân rộng nên sản phẩm làm ra đạt tiêu chuẩn, thu hút được sự quan tâm ký kết từ doanh nghiệp thu mua trong và ngoài tỉnh với giá thu mua cao hơn thị trường. Trong năm, có 104 lượt công ty, doanh nghiệp và thương lái tham gia liên kết tiêu thụ lúa gạo với tổng diện tích là 53.283 ha. Ông Phạm Công Chức - Phó Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Hưng Lợi, huyện Long Phú phấn khởi cho biết: “Mấy năm nay thành viên HTX đa số chuyển sang canh tác giống lúa ST25. Năng suất giống này dù không chênh lệch nhiều so với một số giống khác, nhưng bù lại giá bán cao hơn. Như trong vụ Đông Xuân này đã có công ty ký kết thu mua 7.400 đồng/kg”.

    Riêng diện tích trồng cây ăn trái được duy trì ổn định với 28.443 ha. Tư duy canh tác của nhà vườn đã có những chuyển biến rõ rệt khi áp dụng đồng bộ tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất, ưu tiên về “chất” thay vì “lượng” thông qua việc thay đổi từ quy trình truyền thống sang quy trình canh tác an toàn sinh học để đáp ứng đủ điều kiện được cấp mã số vùng trồng phục vụ nhu cầu xuất khẩu. Toàn tỉnh hiện có 168,6 ha cây ăn trái đạt tiêu chuẩn VietGAP, 7.933 ha canh tác theo hướng hữu cơ. Trái cây Sóc Trăng tiếp tục khẳng định tốt thương hiệu trên thị trường nội địa và một số nước “khó tính”, với diện tích được liên kết tiêu thụ là 1.217 tấn trái (gồm vú sữa, bưởi và thanh nhãn). Trong đó, sản lượng xuất khẩu sang Hoa Kỳ là 157 tấn. Ông Nguyễn Đình Mười - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH TMDV xuất nhập khẩu Vina T&T cho biết: “Năm 2022 đã là năm thứ 5 chúng tôi liên kết xuất khẩu trái cây với tỉnh Sóc Trăng. Có thể thấy sự liên kết này thể hiện rõ qua chữ tín giữa công ty và người nông dân. Dễ thấy nhất là nhà vườn đã áp dụng quy trình canh tác rất tốt, từ đó trái cây đạt đúng sản lượng và chất lượng mà chúng tôi yêu cầu. Nhờ vậy mà doanh nghiệp chúng tôi cũng không bị khách hàng phàn nàn về sản phẩm, điều này cũng góp phần duy trì được mối hợp tác lâu dài như thế này”.

    Năm 2022, nghề nuôi tôm nước lợ của tỉnh phải đối mặt với nhiều khó khăn bởi sự biến động về giá và tác động từ yếu tố môi trường làm phát sinh dịch bệnh trên tôm nuôi. Dù vậy, với sự đồng hành, hỗ trợ tích cực của cơ quan chuyên môn trong việc thông tin kịp thời tình hình dịch bệnh và giá cả thị trường, người nuôi đã chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất và biện pháp phòng ngừa dịch bệnh phù hợp theo từng giai đoạn phát triển của tôm. Bên cạnh đó, các mô hình nuôi tôm cải tiến, nuôi tôm thâm canh ứng dụng công nghệ cao tiếp tục được nhân rộng tại nhiều vùng nuôi trọng điểm, hiện chiếm trên 10% tổng diện tích thả nuôi tôm toàn tỉnh. Tất cả đã góp phần giúp ngành tôm Sóc Trăng thành công vượt khó khi tỷ lệ thiệt hại trên tôm được khống chế dưới hai con số, giảm 0,6 % so với năm 2021; sản lượng tôm cả năm đạt 201.000 tấn, cao hơn 11% so với năm 2021. Thành công trong lĩnh vực nuôi đã tạo lực đẩy quan trọng cho lĩnh vực chế biến, xuất khẩu tôm của tỉnh. Nhờ vậy, năm thứ hai liên tiếp, ngành tôm đóng góp quan trọng vào giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh khi đạt trên 1 tỷ USD. Ông Ngô Thanh Tuấn – Giám đốc HTX Hòa Nghĩa, xã Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu cho biết thêm: “Các đơn vị chuyên môn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng thường xuyên tổ chức tập huấn rồi lấy mẫu kiểm tra định kỳ. Cả vụ của năm 2022 ước tính sản lượng của hợp tác xã đạt khoảng 350 tấn, cao hơn khoảng 30 tấn so với năm rồi” .


Mô hình nuôi tôm thâm canh ứng dụng công nghệ cao

 

    Lĩnh vực chăn nuôi toàn tỉnh có bước phục hồi ổn định khi tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi cơ bản được kiểm soát tốt với tổng đàn gia súc đạt 420.489 con (vượt 16,65% so cùng kỳ), tổng đàn gia cầm đạt 7,6 triệu con (vượt 4,21%). Toàn tỉnh hiện đã phát triển được 189 sản phẩm OCOP - là địa phương có số lượng sản phẩm OCOP nhiều thứ hai khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Ước cuối năm có thêm 05 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 05 xã công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nâng lũy kế có 63/80 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 14 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 03 đơn vị cấp huyện, thị xã đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Nhiều chỉ tiêu nông nghiệp đạt và vượt so với kế hoạch đề ra, đã góp phần thúc đẩy mức tăng trưởng ở khu vực I tăng hơn 4,07% so với năm 2021, giá trị sản phẩm trồng trọt và nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh đạt 224 triệu đồng/ha. Thành công có được sau một năm phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức sẽ là tiền đề quan trọng để ngành Nông nghiệp Sóc Trăng phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh để tạo thêm nhiều đột phá mới trong năm 2023 và những năm tiếp theo. Đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã – Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng thông tin: “Trước bối cảnh và yêu cầu mới hiện nay, với những thuận lợi, thời cơ và thách thức đan xen. Để ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát triển theo hướng bền vững, từng bước chuyển đổi sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp. Ngành sẽ tập trung vào một số giải pháp trọng tâm như: Quán triệt, triển khai thực hiện tốt chủ trương, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, của  Đảng bộ tỉnh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn với phương châm “Nông dân là trung tâm, nông thôn là nền tảng, nông nghiệp là động lực”; tập trung cơ cấu lại ngành Nông nghiệp của tỉnh theo hướng phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, từng vùng sản xuất với các đối tượng cây trồng, vật nuôi phù hợp; đặc biệt quan tâm đến các đối tượng chủ lực của tỉnh để hình thành nên những vùng sản xuất tập trung, sản xuất theo hướng công nghệ cao, theo hướng sạch, an toàn để gắn kết thị trường trong nước và xuất khẩu. Tăng cường ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ mới và chuyển đổi số vào nông nghiệp để nâng cao năng suất lao động, khi đó giá trị và chất lượng sản phẩm sẽ tăng lên, giúp chúng ta có thêm nhiều cơ hội cạnh tranh trên thị trường thế giới. Ngành cũng chú trọng phối hợp với các sở, ban, ngành để thúc đẩy mối liên kết giữa người nông dân và doanh nghiệp, hợp tác xã để tạo dựng được một chuỗi liên kết ngành hàng, từ đó thúc đẩy công tác xúc tiến thương mại để các sản phẩm nông sản của tỉnh không chỉ được tiêu thụ nội địa mà còn mang đến giá trị xa hơn khi tiếp cận được thị trường nước ngoài. Ngành cũng phối hợp chặt chẽ với các địa phương để khuyến khích các mô hình kinh tế tập thể như là hợp tác xã, tổ hợp tác để xây dựng thêm chuỗi liên kết gắn bó giữa nông dân, doanh nghiệp và các bên liên quan theo hướng ổn định và bền vững”.

    Có thể thấy, sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh thông qua việc phê duyệt và triển khai kịp thời các đề án, dự án quan trọng cả trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi đã góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp tỉnh nhà phát triển toàn diện theo hướng hiện đại. Áp lực từ tác động của biến đổi khí hậu và biến động cung/cầu của thị trường như đã khơi gợi thêm những giải pháp chỉ đạo bài bản cho các đơn vị trực thuộc ngành nông nghiệp; mở ra những cách làm hay, sáng tạo cho chính người nông dân tỉnh nhà. Để cùng với nhiều lĩnh vực khác, kinh tế nông nghiệp đang tiếp tục khẳng định tốt vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế hằng năm của tỉnh Sóc Trăng.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 46
  • Hôm nay: 781
  • Trong tuần: 70,114
  • Tất cả: 11,864,141